Học hỏi & Chia sẻ

THIẾU LÁI – DƯ LÁI ? CÁCH KHẮC PHỤC

Ngày: 13/05/2015

Hiện tượng Thiếu lái và Dư lái đều xảy ra khi chiếc xe mất độ bám với mặt đường, nhưng khác nhau ở chỗ tùy theo cấu hình dẫn động của chiếc xe mà nó bị mất độ bám ở 2 bánh trước hay 2 bánh sau, và do đó cách khắc phục cũng như điều chỉnh sẽ không giống nhau

Thiếu lái

Thiếu lái hiểu đơn giản là khi vào cua chiếc xe không ôm theo ý muốn của người lái, mà có xu hướng đi theo đường thẳng, chệch ra hướng ngược lại của vòng cua

Thiếu lái xảy ra là do 2 bánh trước mất độ bám với mặt đường.

Cách khắc phục

Cách duy nhất là cần giảm tốc độ của chiếc xe để 2 bánh trước có thể lấy lại được độ bám với mặt đường. Tốt nhất để giảm tốc độ là nhả chân ga để xe giảm tốc độ từ từ. Không nên phanh gấp, vì phanh gấp sẽ xảy ra hiện tượng bó cứng phanh và đưa 2 bánh xe trước trở về trạng thái mất ma sát với mặt đường .  Đồng thời trả vô lăng về hướng thẳng lái (ngược lại hướng ôm cua, và không cần về hẳn vị trí thẳng lái) một chút để giảm căng thẳng cho 2 bánh trước và giúp 2 bánh này lấy lại độ bám đường nhanh hơn. Đến khi cảm nhận xe bắt đầu lấy lại hoàn toàn độ bám với mặt đường thì chúng ta mới bắt đầu đánh lái nhiều hơn về phía ôm cua

Tóm tắt lại khi bị thiếu lái thì hãy thực hiện theo 3 bước sau để khắc phục:

1. Lập tức nhả chân ga ra.
2. Trả vô lăng về hướng thẳng lái (ngược lại hướng ôm cua). Không cần về hẳn vị trí thẳng lái. Có thể dậm thêm 1 chút phanh nếu xe có ABS.
3. Khi xe bắt đầu lấy lại lực bám thì mới nên đánh lái nhiều hơn về phía ôm cua

Dư lái

Dư lái xảy ra trong 2 trường hợp.

Thứ nhất đó là khi vừa thoát khỏi chóp góc cua – apex và chúng ta đột ngột thốc ga những chiếc xe dẫn động cầu sau.

 

 Thứ hai là khi chúng ta vào cua quá nhanh và đột ngột nhả chân ga gây ra hiện tượng chuyển dịch trọng lượng bất ngờ từ sau ra trước.

 Cả 2 trường hợp trên đều khiến 2 bánh xe sau làm nhiệm vụ dẫn động mất độ bám đường và hậu quả tất yếu là xe sẽ xảy ra hiện tượng văng đuôi hay tệ hơn là xe sẽ xoay vài vòng trên mặt đường. Dư lái thường bắt gặp ở những xe dẫn động cầu sau (RWD - Rear Wheel Drive), một số xe dẫn động 4 bánh và vài chiếc dẫn động cầu trước cá biệt.

Tóm lại, khi rơi vào tình huống dư lái sẽ có 3 điều chúng ta cần nhớ:

1. Nhìn về hướng bạn muốn chiếc xe đi đến
2. Đánh lái theo hướng đó, tức là ngược với hướng xe đang ôm cua
3. Nếu cần có thể mớm nhẹ ít ga để 2 bánh sau mau lấy lại độ bám đường

Đề phòng hiện tượng mất lái như thế nào?

1. Không nên vào cua ở tốc độ quá nhanh hay ôm cua quá gấp. Khi trời mưa, đường ướt cần phải chủ động giảm tốc độ nhiều hơn.

2. Khi vào cua đừng phanh gấp hay dứt/nhồi ga đột ngột vì hiện tượng chuyển dịch trọng lượng bất ngờ giữa phần trước và sau xe có thể gây ra những tình huống mất lái nguy hiểm.

3. Đừng tắt các hệ thống hỗ trỡ ổn định thân xe điện tử như ESP/VSC/VSA/DSC...(mỗi hãng xe gọi theo một cách khác nhau, nhưng nó đều có tính năng giống nhau) khi di chuyển trong điều kiện đường xá bình thường. Đây sẽ là những vị cứu tinh của bạn để ngăn ngừa những tình huống mất lái. Tuy nhiên chúng ta cũng cần biết là hệ thống ổn định thân xe chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không có khả năng ngăn ngừa hoàn toàn.

Thế Giới Vỏ Xe: 79/15 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP.HCM - Tel:(08) 38990362 - Fax:(08) 62945297

Developed by