Học hỏi & Chia sẻ

Những điều cần biết trên lốp xe

Ngày: 16/06/2014

Một chiếc xe dù có hệ thống treo và khung gầm tốt cũng vẫn rất phụ thuộc vào tính chất của bộ lốp phù hợp.

 

 

Đọc hiểu các ký hiệu trên một lốp xe

 

Một lần gặp gỡ bạn bè, anh Trung ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội  khoe mình vừa thay bộ lốp mới. Tuy nhiên, một người bạn anh lại phát hiện thấy bộ lốp mới toanh ấy được sản xuất trước đó tới gần 2 năm.


Đó chỉ là một trong số những câu chuyện mà Autocar Vietnam ghi nhận được khi tiến hành thực hiện chuyên đề này, và còn nhiều câu chuyện tương tự mà chủ xe không hề hay biết, hoặc chỉ được biết khi bị từ chối đăng kiểm. Chỉ là vòng cao su tròn gắn vào la-zăng, nhưng có hơn 20 thông tin và ký hiệu trên đó cùng vô vàn kiểu hoa văn khác nhau. Nếu không được giải thích và tư vấn tận tình từ nhà cung cấp thì nhiều chủ xe cũng chỉ biết gắn vào và chạy, đôi khi việc này khiến họ tốn tiền nhưng vẫn không hài lòng.


Cũng chẳng cần phải là một chuyên gia, nhưng mỗi chủ xe cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhất về lốp để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên.

 

Các dạng hoa văn lốp dùng cho xe bus hoặc xe tải có khả năng phanh và định hướng tốt Lốp hoa văn dạng khối, tốt cho xe chạy trên đường ướt và tuyết, vào cua, bám đường

 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những ký hiệu quan trọng


Ngoại trừ những những lốp xe đặc thù, sản xuất phục vụ cho thị trường nội địa của nhà sản xuất, có chú thích ký hiệu và mô tả bằng chữ bản ngữ, thì hầu hết các loại lốp sản xuất ra đều sử dụng ký hiệu bằng từ đầu tiên của nghĩa tiếng anh hoặc cả dòng chữ tiếng anh theo tiêu chuẩn quốc tế. Để đọc và hiểu được các ký hiệu đó cũng là một vấn đề không nhỏ với đa số nhiều người, nhưng để dễ nhớ chúng ta chỉ quan tâm đến vài thông số chính. 

Tất nhiên trong phần trình bày này chúng tôi sẽ cố gắng liệt kê và minh họa đầy đủ các ký hiệu này, để từ đó các chủ xe có thể chọn hoặc hiểu tại sao nhà cung cấp gắn những loại lốp đó trên chiếc xe của mình.

Đầu tiên, quan sát trên thân lốp có một cụm ký hiệu mô tả về độ rộng, chiều cao, tải trọng và tốc độ cho phép, ví dụ như P235/40 R18 92V. Đây là các thông số được quy định rõ trong giấy chứng nhận đăng kiểm xe mà các chủ xe cần tuyệt đối tuân thủ.

 

Cấu tạo cơ bản của một lốp bố tròn


Đối với một số thị trường như Mỹ hay châu Âu thì lốp có ký hiệu đầu tiên là chữ P (Passenger) là lốp dùng cho các loại ôtô cá nhân hay du lịch nhỏ, nếu là cho một loại xe khác sẽ có ký kiệu tương ứng như LT ( Light Truck) dùng cho xe tải nhỏ. Tuy nhiên, có một số hãng lốp xe như lốp Nhật không có ký hiệu đầu tiên này. 

Phần tiếp theo, con số 235 chỉ độ rộng nhất có đơn vị milimet là số đo chiều ngang lốp. Số 40 là tỷ số % thể hiện độ cao của lốp so với độ rộng của lốp xe, vì vậy, với lốp có độ rộng 235mm thì chiều cao lốp sẽ là 94mm. 

Ký hiệu R (Radial) là thông số thể hiện kiểu lốp bố tròn rất phổ biến trên hầu hết các loại xe. Đặc điểm của loại lốp này có kiểu bố đan vắt từ bên này sang bên kia tạo thành góc vuông với mép lốp hay còn gọi là tanh lốp. Trong khi đó, còn có loại lốp bố đan chéo kí hiệu B (Bias). 

Ký hiệu tiếp theo sát với chữ R là số 18, thể hiện đường kính của lốp có đơn vị đo thường bằng inch (1inch = 2,54cm). Thông số tiếp nữa thường đi sau chỉ số bán kính của lốp xe là giới hạn tốc độ và khả năng tải trọng cho phép. Để đọc được thông số này phải tham khảo bảng quy đổi từ nhà sản xuất hoặc quy định chuẩn của quốc tế. Ví dụ, 92V tham khảo trên bảng thông số thì trong đó 92 tương đương tải trọng 630kg (1,400lb) và V tương đương dải tốc độ tối đa cho phép là 240km/h (149mph).

 

Gờ chỉ thị mòn trên rãnh lốp


Một số ký hiệu khác trên lốp cũng quan trọng như: M + S thể hiện loại lốp đi tốt trong các điều kiện địa hình, ở đây, M (Mud) chỉ điều kiện đường có bùn trơn trượt và S (Snow) là ký hiệu cho phép xe có thể di chuyển trong điều kiện đường tuyết trơn trượt. Một số lốp còn có ký hiệu bông tuyết nằm trong tam giác cạnh gãy cũng biểu thị chức năng lốp chạy được trên đường có tuyết. 

Một số thông tin nằm gần sát mép tanh của lốp cho biết kiểu lốp dùng săm hoặc không săm (Tubeless), áp suất tối đa (Max Press), tải trọng tối đa (Max Load). Ngày sản xuất của lốp thường được ký hiệu bằng bốn con số thể hiện tuần sản xuất trong năm đó, ví dụ 3213 là lốp sản xuất ở tuần 32 năm 2013.

 

Hoa văn lốp dạng định hướng, thoát nước tốt, bám đường, chạy được tốc độ cao Lốp dạng hoa văn xương sườn, phanh tốt, khả năng chạy tốc độ cao nhưng phanh kém


Ngoài ra, người tiêu dùng có thể quan sát thêm các thông số về khả năng chống mòn (TreadWear xxx) nếu biểu thị số càng cao thì càng tốt, khả năng bám đường (Traction xx) được xếp theo tiêu chuẩn lần lượt cao nhất AA, A, B, C. Thông số này cũng khá quan trọng liên quan đến lực đẩy và quãng phanh của xe, chỉ số mòn lốp TWI thường có hình tam giác cân trên vai của lốp để tham chiếu độ mòn của hoa lốp đến lúc cần phải thay. 

Những ghi chú bắt buộc như xuất xứ, tên nhà sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, ký hiệu chiều quay của lốp và mặt thân vỏ quay ra ngoài (outside) hay quay vào trong (inside). Đọc và hiểu được các thông số trên một lốp xe sẽ giúp chủ xe chọn được loại lốp phù hợp cho xe và điều kiện mặt đường mà chiếc xe hay thường xuyên đi qua, để có độ dễ chịu và an toàn nhất, không ảnh hưởng đến chất lượng của toàn xe.

 

Một dạng cấu tạo của lốp run-flat có vòng cao su đệm hỗ trợ bên trong


Cấu tạo lốp

Ba vị trí bên ngoài có thể quan sát được trên một lốp xe đều có vai trò nhất định và phân ra tên gọi như: Vai lốp là phần giao bo tròn giữa thành lốp và mặt lưng ngang ngoài của lốp. Vị trí này có độ dày hơn hẳn để định hình bề rộng và chiều cao của lốp. Hoa lốp là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lực đẩy và phanh xuống mặt đường. Mỗi kiểu hoa lốp thể hiện tính khí động học khác nhau và thích ứng trên mỗi mặt đường khác nhau. 

Hoa lốp là vị trí dễ nhận ra chất lượng còn lại của một lốp xe khi đã lưu thông một thời gian. Thành lốp có chiều dày cấu tạo mỏng hơn vai lốp, thể hiện tính đàn hồi của lốp tùy vào độ dày mỏng, nhưng cũng là vị trí dễ tổn thương khi bánh xe tiếp xúc ngang với vật sắc nhọn hoặc ma sát lớn, chẳng hạn như khi bị cà vào vỉa hè.

 

So sánh lốp không săm và lốp run-flat khi mất áp suất


Cấu tạo bên trong của lốp gồm nhiều lớp chồng lên nhau như lớp đệm cao su nằm trong ngay sát sau bề mặt lốp, kế đến lớp sợi bố nylon kèm theo hai rìa ngoài là lớp đệm gia cố cho phần gối vai, tiếp theo nữa là lớp bố có cấu tạo sợi thép, lớp bố chính (thường là kiểu bố tròn) định hình cho thân lốp xe có cách sắp xếp vuông góc với tanh lốp - là tổ hợp các sợi vòng tròn bằng thép nằm rìa mép trong, có chức năng rất quan trọng tạo liên kết vững chắc giữa lốp với la-zăng khi lốp căng đầy áp suất.


Tùy vào công nghệ, mục tiêu thị trường và loại địa hình mặt đường mà các nhà sản xuất lốp có những điều chỉnh trong kết cấu, chất liệu của lốp cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn theo quy định. Dưới áp lực của người tiêu dùng ngày càng tinh tế và đòi hỏi cao, thị trường ngày càng có nhiều chủng loại lốp phong phú về chất lượng để cạnh tranh nhau doanh số.

Hoa lốp và tính năng


Hoa văn trên bề mặt lốp đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện khả năng khí động học của bánh xe, trong đó thể hiện khả năng tăng tốc hoặc khả năng bám đường tốt khi phanh. Không thể thống kê có bao nhiêu loại hoa lốp trên lốp xe, vì mỗi nhà sản xuất có nhiều loại hoa lốp cho mỗi kiểu lốp khác nhau và mỗi loại hoa lốp đều có ưu và nhược điểm nhất định.

 

Lốp gai lớn chuyên chạy địa hình sình lầy tốt


Tựu chung trên bề mặt lốp có rãnh sâu một hoặc vài cái chạy dọc chu vi của lốp, rãnh ngang, rãnh xiên, rãnh zic-zắc, tất cả những rãnh này tạo nên hoa lốp liên tục đối xứng hoặc bất đối xứng, trên mỗi hoa văn lại có những rãnh nhỏ nông thường gọi bằng “vân/gân” có chức năng tạo độ bám cũng như ổn định của xe.


Đặc điểm cấu tạo hoa lốp sẽ quyết định tính năng khí động học của nó. Ví dụ, loại lốp có nhiều đường gân dọc sâu chạy song song với nhau trên lưng lốp và những rãnh ngang nhỏ có phương vuông góc với những đường dọc này thì ổn định ở tốc độ cao khi chạy trên đường khô, nhưng có nhược điểm tăng tốc và phanh không tốt, và cũng không tối ưu khi đi đường ướt.

 

Lốp hoa văn dạng hình giun, lái và phanh rất tốt nhưng chạy tốt độ cao gây ra tiếng ồn


Loại lốp có nhiều rãnh ngang, có một vài đường rãnh dọc, thì khả năng tăng tốc và phanh rất tốt, thoát nước tốt, nhưng lại tạo ra tiếng ồn nhiều, khó chịu khi chạy tốc độ cao. Loại lốp kết hợp hài hòa hai kiểu rãnh dọc và rãnh xiên sẽ tạo ra được khả năng ổn định xe, tăng tốc và phanh tốt, khả năng chống trượt khi vào cua và trên đường ướt. Chủ xe nên tham khảo thêm tư vấn từ những đơn vị cung cấp lốp xe cho mình.

 

Các kiểu lốp

 

1. Lốp có săm (Tube): hầu như không còn sử dụng cho các loại xe du lịch nhưng những chiếc xe khách hay xe tải vẫn còn sử dụng. Lốp có săm cấu tạo nhiều chi tiết và mất thời gian tháo ráp khi phải thay thế hay thực hiện vá săm xe, một số chi tiết phải đi theo như: vành khóa, vành đệm, la-zăng sắt đặc trưng, miếng đót cao su đệm săm, săm xe. Tuy có chi phí đầu tư thấp nhưng về mặt thẩm mỹ rất thấp, tốn nhiên liệu, tính an toàn không cao khi bị nổ lốp vì áp suất thoát ra rất nhanh.


2. Lốp không săm (Tubeless): thường sử dụng hầu hết cho các dòng xe du lịch hiện nay, cấu tạo khá đơn giản chỉ la-zăng đúc kèm van hơi liền, có phủ một lớp hợp chất chống thất thoát không khí kết hợp với lốp. Tính chất thẩm mỹ cao, thay đổi được nhiều kiểu loại la-zăng, dễ tháo ráp, sửa chữa bằng dụng cụ chuyên dụng. Tính an toàn cao hơn loại lốp có sử dụng săm. 
Khi bị cán vật nhọn, không khí chỉ bị thoát từ từ, tạo cơ hội cho lái xe có khoảng thời gian tốt hơn để xử lý. Tuy có giá thành cao nhưng bù lại lượng nhiên liệu cho xe sẽ kinh tế hơn, ít bị hư hỏng vật lý tự nhiên hơn.

3. Lốp run-flat: là loại lốp được phát triển dựa trên nhu cầu an toàn và tiết kiệm không gian cốp chứa đồ của xe, tiết kiệm thời gian di chuyển nếu chẳng may lốp cán đinh giảm áp suất. Phần lớn các xe khi xuất xưởng sử dụng lốp run-flat thường không có bánh sơ cua, vì nguyên tắc khi lốp mất áp suất thì xe vẫn có thể tiếp tục hành trình do cấu tạo loại lốp này có thành dày nên có thể chịu lực tương đối trọng lượng của xe. 

Có hai loại lốp run-flat, không ruột thành dày cứng và một loại thành lốp mỏng hơn nhưng bên trong có gắn bộ vòng đệm nâng đỡ trọng lượng xe khi mất áp suất. Sự tiện lợi của lốp run-flat thì khỏi bàn luận, tuy nhiên, giá thành và độ cứng của lốp gây khó chịu khi chạy xe vẫn là một cản trở để loại lốp này chưa phổ biến. Mặt khác, khi lốp bị hỏng rất khó và hầu như không thể khắc phục sửa chữa mà chỉ thay mới.




 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài: Quốc Huy- Autocarvietnam.vn

Thế Giới Vỏ Xe: 79/15 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP.HCM - Tel:(08) 38990362 - Fax:(08) 62945297

Developed by